Ủ chua thức ăn cho lợn

Ủ chua thức ăn cho lợn

1) Ưu điểm của các phương pháp chế biến ủ chua thức ăn cho lợn:
-Bảo quản khoai lang tránh thiệt hại do bị sùng/ thối và tạo nguồn thức ăn sử dụng lâu dài cho lợn

-Tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn thông qua quá trình ủ chua (các axít béo bay hơi được tạo thành như axit lactic, axit propionic và axit axêtic, xác vi sinh vật).

-Có thể thu cắt và chế biến dây lá khoai lang cùng lúc trên diện tích lớn và dễ chăm bón đồng loạt. Cách cho lợn ăn đơn giản, dễ và thuận tiện làm giảm thời gian, công sức lao động và chi phí chất đốt cho việc nấu thức ăn cho lợn.
-Có thể tận dụng được các nguồn nguyên liệu khác, kể cả những phụ phẩm nông nghiệp như lá sắn, ngọn lá lạc, lá bắp cải, su hào, hoa lơ, rau muống, bèo tây … để chế biến làm thức ăn cho lợn.
-Sử dụng các nguyên liệu thức ăn một cách hợp lý để cân đối chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn và làm tăng hiệu quả kinh tế của nuôi lợn thịt.

2) Các nguyên tắc của phương pháp ủ chua

* Ủ chua ở đây là lên men vi sinh vật trong môi trường yếm khí. Vì vậy, điều kiện tiên quyết cho quá trình này là làm giảm tối đa lượng không khí trong khối thức ăn ủ. Điều này có thể đạt được bằng cách bảo quản thức ăn ủ trong bao ny lông kín, lèn chặt và mạnh hết mức để giải phóng tối đa không khí trong bao thức ăn ủ ra ngoài và buộc chặt bao để không khí ở ngoài không thể vào được trong bao. Nguyên tắc này phải được duy trì trong suốt thời gian bảo quản và sử dụng thức ăn ủ. Cũng phải đảm bảo giữ bao kín sau mỗi lần lấy ra cho lợn ăn.
* Bảng 11 giới thiệu hàm lượng nước của một số nguyên liệu thức ăn. Vì đây là khoai lang và một số nguyên liệu khác có hàm lượng nước rất cao nên trước khi tiến hành ủ chua phải phơi héo để giảm tỷ lệ nước, tạo điều kiện thích hợp cho các vi sinh vật hoạt động lên men chua và tránh hiện tượng thối do các vi sinh vật lên men sản sinh ra axit butyric. Tỷ lệ nước giảm thích hợp trong quá trình phơi héo nên là 40-45%.

Bảng 11: Độ ẩm của một số nguyên liệu thức ăn thông dụng theo Viện Chăn nuôi, 2001

Nguyên liệu Hàm lượng nước
Dây lá khoai lang 86-91%
Bèo tây 92,4-94%
Lá bắp cải già 89%
Lá su hào già 85,5%

* Ngoài việc sử dụng muối ăn ra, cần sử dụng một số các loại tinh bột (cám gạo, bột ngô, bột củ sắn) để ủ chua là cần thiết nhằm cung cấp các cơ chất ban đầu (tiền chất) cho quần thể vi sinh vật, làm cho chúng sinh trưởng, phát triển và bắt đầu quá trình lên men nhanh, làm giảm nhanh độ pH và làm ngừng quá trình hô hấp sớm nhất. Ngoài ra, các loại tinh bột kể trên còn đóng vai trò như là chất hấp thụ nước, làm tăng hàm lượng vật chất khô cho thức ăn ủ.

3) Qui trình ủ chua dây lá KL, ngọn lá lạc, lá sắn và các loại rau khác.

a) Công đoạn chọn và băm nguyên liệu

Dùng máy băm chạy mô tơ điện (Máy băm đa năng 3A), băm nhỏ dây lá đến độ dài 0,2-0, 5 cm. Trong quá trình băm loại bỏ dây lá già, vàng, thối ủng hoặc lá thân khô.
Lưu ý: Nên thu cắt dây lá khoai lang hoặc ngọn lá lạc vào buổi chiều muộn ngày hôm trước để tránh ướt do nước mưa hoặc sương đêm. Ngoài ra, như vậy sẽ thuận tiện hơn trong việc băm dây vào buổi sáng sớm để sau đó đưa phơi héo để ủ. Nếu chưa băm và phơi kịp thì phải rải đều thành lớp mỏng trên sân, hè, nền nhà để tránh nguyên liệu hô hấp sẽ làm hao hụt chất dinh dưỡng.
Nên thu cắt dây lá ngay tại luống ở ruộng khoai trước khi thu dỡ củ. Chỉ cắt phần dây có kèm lá còn xanh. Bỏ lại trên luống những dây già, vàng, nâu, không có lá xanh để sau này thu dỡ cùng với củ. Những dây già này sẽ được phân loại riêng ra và để cho gia súc nhai lại ăn.

b) Công đoạn Phơi héo nguyên liệu:
Phơi héo là một bước rất quan trọng để làm giảm hàm lượng nước của những loại dây lá, rau, bèo có chứa nhiều nước như các loại đã giới thiệu ở bảng 11. Phải tiến hành phơi ngay sau khi băm để tránh thất thoát chất dinh dưỡng do quá trình hô hấp.
Trong quá trình phơi héo thỉnh thoảng phải đảo để nguyên liệu được héo nhanh và héo đều. Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khối lượng và độ dày của nguyên liệu phơi, thời gian phơi có thể kéo dài từ 1-4 giờ để giảm 40-45% nước.

Thí dụ: có 100 kg dây lá khoai lang tươi, sau khi phơi héo với mức độ thích hợp, lượng nước hao hụt là 40-45 kg, còn lại 55-60 kg dây lá héo.

Sau khi phơi héo xong, thu nguyên liệu để vào chỗ râm, mát cho nguội hẳn rồi mới tiến hành cân và ủ. Không phải phơi héo lá sắn và ngọn lá lạc vì những nguyên liệu này có chứa ít nước hơn (Hàm lượng nước trong lá sắn tươi là 74,26%, và của ngọn lá lạc là 79,25%).

c) Công đoạn cân nguyên liệu:
Cân dây lá đã phơi héo rồi tính toán và cân khối lượng cần thiết của các phụ gia (tinh bột và muối) theo công thức 1 (CT1).

Sau khi cân, để riêng các loại nguyên liệu.

CT1: Cứ 100 kg dây lá héo + 10 kg cám gạo  + 0, 5 kg muối

*Chú ý nếu không có sẵn cám gạo thì có thể dùng bột ngô hoặc bột sắn để thay thế

d)  Công đoạn đảo trộn:
–  Đầu tiên trộn tinh bột (cám gạo hoặc bột ngô hoặc bột sắn) với muối để cho các hạt muối được tơi ra và phân phối đều trong khối thức ăn ủ, tạo môi trường có độ mặn đều cho quần thể vi sinh vật.

–  Sau đó trộn đều nguyên liệu đã băm (và phơi héo) với hỗn hợp phụ gia tinh bột và muối này. Thực hiện bằng tay, nếu trộn và ủ nhiều thì có thể dùng xẻng.

e)  Công đoạn đóng bao, lèn chặt: 
Hỗn hợp nguyên liệu ủ được cho vào bao có hai lớp: bao ny lông ở trong và bao dứa ở ngoài. Như đã nêu ở trên, bao ny lông có tác dụng duy trì điều kiện yếm khí. Bao dứa có tác dụng chịu tải cho khối thức ăn ủ khi di chuyển và bảo vệ bao ny lông khỏi bị thủng, rách. ( nếu bao ny lông bị thủng, không khí lọt vào là thức ăn ủ sẽ bị hỏng). Theo kinh nghiệm, nên dùng bao có kích thước đủ chứa được 25-30 kg thức ăn ủ. Lượng thức ăn ủ này có thể cho lợn ăn được một số ngày. Nó thuận tiện đối với việc cho ăn sau này.
Dùng tay bốc hoặc dùng xẻng xúc hỗn hợp thức ăn ủ cho vào bao. Sau đó dùng bàn tay hoặc bàn chân lèn chặt để ép không khí trong khối thức ăn ủ ra ngoài. Thực hiện từng lớp dầy 10- 15 cm như vậy cho đến khi đầy bao hoặc hết nguyên liệu.

Nhớ để phần miệng bao đủ dài để có thể buộc được và không được làm rách, thủng bao. Dùng dây chắc buộc riêng bao ny lông ở trong trước, bao dứa ở ngoài sau. Viết lên bao ngày, tháng ủ và nguyên liệu ủ để biết loại thức ăn ủ trong bao và thời gian có thể sử dụng.

Có một số thứ khác có thể sử dụng để thay thế bao dứa như thùng phuy, chum, vại hoặc những ô bể xây. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp vẫn phải dùng bao ny lông để đựng ở trong để đảm bảo điều kiện yếm khí trong suốt thời gian ủ.

g)  Cất giữ và bảo quản bao thức ăn ủ
Cất giữ các bao thức ăn ủ chua ở nơi khô ráo, mát, tránh hao hụt chất dinh dưỡng và chuột, bọ cắn rách, thủng bao. Nếu bao bị thủng, thức ăn ủ sẽ bị thối hoặc mốc trắng.
Lưu ý: Kiểm tra thường xuyên các bao thức ăn ủ trong 3-4 ngày đầu sau khi ủ. Nếu thấy hiện tượng bao bị căng đầy không khí thì phải mở ra, lèn chặt lại để đẩy hết không khí ra, sau đó buộc lại bao. Khí này là khí cacbonic (CO2) sản sinh ra do quá trình hô hấp thực vật của dây lá trong bao thức ăn ủ.

4)   Qui trình ủ chua củ khoai lang hoặc củ sắn tươi

Dùng máy băm chạy mô tơ điện (Máy băm đa năng 3A).  Băm nhỏ củ (và dây lá khoai lang hoặc ngọn lá lạc). Trước khi băm bằng máy thì nên băm sơ bộ củ thành những miếng nhỏ hơn trước khi cho vào máy băm. Kích thước của những mảnh củ sau khi băm to bằng hạt gạo, hoặc hạt ngô là vừa.
Nếu thu hoạch củ trên đất khô vào những ngày trời khô ráo thì không cần phải rửa củ trước khi băm. Trong khi băm, khoét bỏ những phần củ bị thối, hà hoặc loại bỏ cả củ nếu bị nhiễm nặng. Sau khi băm xong nên tiến hành ủ ngay, càng sớm càng tốt.
Lưu ý: Dùng ngay củ tươi để ủ, không cần phải phơi héo hoặc luộc chín trước khi ủ, cũng không cần phải cho thêm bất cứ loại men nào vào.

Liên quan đến chiến lược thức ăn cho đàn lợn thịt: Bao giờ, mùa vụ nào, ở đâu, sẵn có gì và có bao nhiêu, nông dân có thể tự chọn công thức ủ thích hợp dưới đây. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có làm thức ăn nuôi lợn thịt.

Các công thức dùng để ủ chua củ khoai lang hoặc củ sắn

A. Công thức ủ chua củ khoai lang hoặc củ sắn tươi với dây lá khoai lang tươi
Củ và dây lá khoai lang tươi đã băm nhỏ có thể ủ với nhau cùng với muối. Trong trường hợp này dây lá khoai lang tươi được sử dụng để thay hoàn toàn cám gạo, nông dân không cần tiền mặt để mua cám gạo, chi phí thức ăn nuôi lợn thịt có thể giảm.Ủ chua theo cách này cũng thuận tiện đối với nông dân vì không phải phơi héo dây lá khoai lang và cũng không bị phụ thuộc vào thời tiết.
Phương pháp này có thể ứng dụng để ủ chua củ sắn vì thời vụ thu hoạch củ sắn cũng là thời vụ thu cắt tỉa dây lá khoai lang vụ đông. Phụ thuộc vào lượng củ khoai lang hoặc củ sắn và dây lá KL sẵn có, chọn công thức phù hợp từ công thức 2 đến 4 dưới đây để ủ:

CT2: Cứ 85 kg củ KL hoặc củ sắn + 15 kg dây lá KL tươi + 0, 5 kg muối
CT3: Cứ 70 kg củ KL hoặc củ sắn + 30 kg dây lá KL tươi + 0, 5 kg muối
CT4: Cứ 55 kg củ KL hoặc củ sắn + 45 kg dây lá KL tươi + 0, 5 kg muối

B. Công thức ủ chua củ khoai lang hoặc củ sắn tươi với ngọn lá lạc tươi
Củ khoai lang tươi của vụ xuân -hè có thể ủ được với ngọn lá lạc tươi sẵn có trong cùng vụ. Củ khoai lang vụ đông hoặc củ sắn có thể ủ được với ngọn lá lạc vụ thu. Phụ thuộc vào lượng củ KL hoặc củ sắn và lượng ngọn lá lạc, chọn một từ công thức 5 đến công thức 7 dưới đây để ủ:

CT5: Cứ 85 kg củ KL hoặc củ sắn + 15 kg ngọn lá lạc tươi + 0, 5 kg muối
CT6: Cứ 70 kg củ KL hoặc củ sắn + 30 kg ngọn lá lạc tươi + 0, 5 kg muối
CT7: Cứ 55 kg củ KL hoặc củ sắn + 45 kg ngọn lá lạc tươi + 0, 5 kg muối

C. Công thức ủ chua củ khoai lang hoặc củ sắn với cám gạo
Khi nông dân có sắn củ KL hoặc củ sắn nhưng không có cả dây lá KL và ngọn lá lạc thì có thể ủ củ khoai lang hoặc củ sắn với cám gạo. Sử dụng công thức 8 dưới đây để ủ:

CT8: Cứ 100 kg củ KL hoặc củ sắn + 10 kg cám gạo + 0, 5 kg muối

Trộn, đóng bao và lèn chặt
Các bước này tương tự như trong qui trình ủ chua dây lá khoai lang, nhưng trong quá trình trộn nếu có củ khoai /củ sắn nghiền bị vón cục thì phải bóp tơi ra để được tiếp xúc đều với muối và phụ gia. Ngoài ra, cần ủ trong bao có 3 lớp (hai lớp bao ny lông ở trong và 1 bao dứa ở ngoài) để giữ được điều kiện yếm khí và tránh rò rỉ nước.

Cất giữ và bảo quản bao thức ăn ủ
Bước này cũng tương tự như cất giữ và bảo quản bao dây lá khoai lang ủ chua.
Lưu ý: Kiểm tra thường xuyên bao thức ăn ủ trong 3-4 ngày đầu sau khi ủ. Nếu bao bị căng khí thì mở miệng bao ra, lèn chặt lại để xả khí ra rồi buộc lại bao cẩn thận. Khí này được tạo thành trong quá trình hô hấp của củ ủ. Mức độ hô hấp của củ ủ cao hơn so với hô hấp của dây lá ủ vì hàm lượng tinh bột của củ cao hơn. Vì thế cần phải kiểm tra bao ủ vài lần trong một ngày và nếu cần thì phải xử lý như đã hướng dẫn.
Hô hấp: là một hiện tương hoặc quá trình không thể tránh được trong 3-4 ngày đầu sau khi ủ. Hiện tượng này xảy ra khi quần thể vi sinh vật lên men chua chưa phát triển đủ mạnh, quá trình lên men chua mới chỉ bắt đầu, vì vậy độ pH chưa đạt được giá trị chuẩn của thức ăn ủ chua. Hô hấp của thực vật là quá trình ngược với quang hợp. Dưới tác động của ôxy trong không khí và nhiệt độ cao của môi trường, các hyđrat cacbon (đường và tinh bột, C6H12O6) trong củ phân giải thành khí cacbonic (CO2) và nước (H2O).

 

Sử dụng các nguyên liệu thức ăn đã chế biến

3.1. Sử dụng thức ăn ủ chua

* Bao giờ thì có thể bắt đầu sử dụng thức ăn ủ chua cho lợn ăn?
Có thể cho lợn ăn thức ăn ủ chua sau 14 ngày ủ. Đây là thời gian cần thiết để cho giá trị pH của thức ăn ủ được ổn định.

Thức ăn ủ chua có thể bảo quản được bao lâu?
Phụ thuộc và điều kiện yếm khí của bao thức ăn ủ: Trong điều kiện yếm khí tối đa (lèn thật chặt, buộc kín, bao không bị thủng hoặc rách) thì có thể bảo quản được ít nhất 4,5-5 tháng mà giá trị dinh dưỡng không bị giảm đáng kể.

Lợn ở giai đoạn /độ tuổi nào có thể bắt đầu sử dụng được thức ăn ủ chua?
Lợn nuôi thịt từ 18-20 kg thể trọng (hoặc sau 2, 5 tháng tuổi) bắt đầu sử dụng được thức ăn ủ chua vì từ giai đoạn này trở đi sinh lý và chức năng tiêu hoá mới được hoàn thiện và ổn định. Vì thế lợn sẽ không không gặp vấn đề sau khi ăn thức ăn ủ chua. Ngoài ra, lợn nái, kể cả lợn nái nuôi con có thể ăn được thức ăn ủ chua nhưng chú ý là không cho lợn con còn nhỏ dưới 2-2, 5 tháng tuổi, đặc biệt là lợn con đang bú sữa mẹ, ăn thức ăn ủ chua.

* Cách cho lợn ăn thức ăn ủ chua
Trộn thức ăn ủ chua với cám hỗn hợp và hoà với nước sạch rồi đổ cho lợn ăn sống, không phải nấu. Trong điều kiện thời tiết lạnh của mùa đông thì nên đun ước ấm rồi trộn cho lợn ăn. Nên chia khẩu phân ăn hàng ngày của lợn nuôi thịt thành 3 bữa: sáng, trưa, tối. Cho lợn ăn theo cách này rất đơn giản, thuận tiện và kinh tế vì không tốn chất đốt, thời gian, công sức lao động để nấu thức ăn cho lợn.
Nếu lần đầu tiên lợn được ăn thức ăn ủ chua thì cần có thời gian để tập cho lợn ăn và thích nghi dần vì đây là loại thức ăn mới, có vị chua của thức ăn ủ.

* Cách cho lợn tập ăn thức ăn ủ chua
Trong 2-3 ngày đầu chỉ cho lợn ăn 2 bữa một ngày (sáng sớm và chiều tối) và giảm lượng thức ăn để làm cho lợn đói. Bằng cách này lợn sẽ phải ăn thức ăn mới và quen dần với khẩu phần mới nhanh hơn, có thể rút ngắn thời gian thích nghi. Nên tăng dần lượng thức ăn mới sao cho sau 5-7 ngày lợn có thể tiêu thụ được đủ tiêu chuẩn ăn hàng ngày của lợn nuôi thịt. Trong thời gian này phải kiên quyết và nghiêm khắc với lợn thì mới thành công được.

Quý khách có nhu cầu cần tư vấn về cách pha chế và sử dụng EM, vui lòng liên hệ tới số hotline:

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *